Lượt xem: 463

Kế Sách: Chủ động áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn trên cây ăn trái

Huyện Kế Sách hiện có gần 16.400 ha cây ăn trái; trong đó, nhiều loại cây mẫn cảm với mặn như sầu riêng (1.694 ha), vú sữa (2,227 ha), mít (1.731 ha), măng cụt (321 ha),... Các loại cây ăn trái vừa kể cũng là các loại cây đặc sản chủ lực, đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập tốt cho nhà vườn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng tại huyện Kế Sách.

 


Kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên cây sầu riêng

 

    Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang tác động xấu đến các loại cây ăn trái đặc sản của huyện, nhất là tại các địa bàn dễ bị xâm nhập mặn và hạn trong mùa khô.

    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mùa mưa 2023 có khả năng kết thúc sớm, hiện tượng Elnino sẽ duy trì đến khoảng tháng 4/2024; dự báo độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023 - 2024 ở mức cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Cụ thể tháng 01 - 02/2024 trên sông Hậu, độ mặn 4‰ (4‰ = 4g/lít) nhập sâu từ 50-65 km (vàm Rạch Vọp - vàm Cái Côn); do vận hành của thủy điện ở thượng nguồn và thời tiết cực đoan, mặn bất thường nên mặn có thể vào sâu đến 70 km (Mái Dầm, Hậu Giang). Từ giữa tháng 3/2024, độ mặn có thể giảm, trên sông Hậu ranh mặn 4‰ vào sâu từ 45-60 km (từ Trà Ếch đến Cái Trâm)

    Vì vậy, hạn, mặn có khả năng xảy ra gay gắt trong mùa khô năm nay. Đặc biệt, có thể còn xảy ra những biến động bất thường về xâm nhập mặn ở bất cứ thời điểm nào. Điều này xảy ra sẽ là mối nguy rất lớn cho nhà vườn trồng cây ăn trái nói chung, cây đặc sản nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây, thậm chí có thể gây chết cây nếu vườn bị nước mặn xâm nhập.

    Để giảm thiểu thiệt hại do mặn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn trồng các loại cây đặc sản kể trên áp dụng một số biện pháp sau đây:

    Trước giai đoạn xâm nhập mặn:

    Tích cực thực hiện các công việc như: Nạo vét ao mương, kết hợp bồi bùn cho cây (lớp bùn dày không quá 5 cm) nhằm dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái khi xảy ra xâm nhập mặn. Tưới cho cây ăn trái bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Củng cố hệ thống đê bao, tu sửa cống, bọng của vườn để tránh nước mặn xâm nhập. Ủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, lá dừa, rơm rạ, lục bình, cỏ khô hoặc phủ bạt khi có điều kiện. Cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch (qua các nhóm zalo thông tin mặn của ấp, xã, huyện; qua đài truyền thanh huyện, xã hoặc theo dõi qua các ứng dụng “Nguồn nước Cửu Long, “Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long”, “Mekong”) để kịp thời ngăn mặn, lấy nước dự trữ trong mương hoặc trong những túi nilon dày để tưới cho cây trong những tháng nước nhiễm mặn. Để giảm thoát hơi nước và nhu cầu nước của cây, tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt bông và trái trong giai đoạn này. Không xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Bón 40 - 60 kg phân hữu cơ (phân chuồng), kết hợp phun 1 lần brassinosteroids (tên thương mại Comcat, Nyro) nồng độ 50 phần triệu (50 g brassinosteroids nguyên chất pha trong 1.000 lít nước) và canxi nitrat 0,5% ở thời điểm trước khi mặn xâm nhập.

    Chăm sóc cây ăn trái trong giai đoạn xâm nhập mặn:

    Phun brassinosteroids 50 phần triệu và canxi nitrat 0,5% ngay khi nguồn nước tưới nhiễm mặn, sau đó phun thêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Đối với cây sầu riêng, nếu nước có độ mặn nhỏ hơn 0,5‰ thì tưới bình thường; hạn chế tưới nước có độ mặn lớn hơn 0,5‰ ở giai đoạn ra hoa và mang quả tập trung. Đối với cây vú sữa, mít, chôm chôm… tưới bình thường khi độ mặn dưới 1‰. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu giúp cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới). Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn tại địa phương, kiểm tra nồng độ mặn của nguồn nước trên sông, rạch để kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước vào vườn. Ngành nông nghiệp phân công công chức, nhân viên kỹ thuật phối hợp với công chức nông nghiệp của các xã, thị trấn tiếp tục đi kiểm tra hệ thống đê bao, cống, bọng, đập đầu nguồn nước; kịp thời gia cố, sửa chữa các điểm xung yếu để bảo đảm việc ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả.

    Với sự chủ động của ngành nông nghiệp và sự đồng tình ủng hộ của bà con nhà vườn trong công tác ứng phó hạn, xâm nhập mặn, có cơ sở để tin rằng huyện Kế Sách sẽ bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái trong mùa khô năm 2023-2024.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 3546
  • Trong tuần: 72,879
  • Tất cả: 11,866,906